Theo ThS.Bác sĩ Vũ Thị Kim Xuyên (Trung tâm tư vấn và tiêm chủng vắc xin, BVĐK Phương Đông), bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, lây truyền qua đường hô hấp, dịch tiết, qua da, đồ dùng, quần áo, thức ăn…. do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người già.
Tuy có tỷ lệ tử vong cao (người nhiễm bệnh có thể tử vong sau 6 - 10 ngày nếu không được điều trị kịp thời) nhưng người dân không nên hoang mang khi có ca bạch hầu xuất hiện vì đã có vaccine phòng ngừa.
ThS.Bác sĩ Vũ Thị Kim Xuyên còn chia sẻ thêm, thời gian ủ bệnh thường từ 2 -3 ngày và thậm chí là lâu hơn. Người nhiễm bệnh sẽ có triệu chứng như sốt cao, đau họng có giả mạc, đau đầu, phát ban và hạch cổ… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, ngạt thở, viêm cơ tim, suy hô hấp, tê liệt cơ hoành, tê liệt thần kinh… thậm chí là tử vong.
Với tình hình bệnh bạch hầu xuất hiện ở một số tỉnh thành trong thời gian gần đây thì việc chủ động phòng ngừa bệnh để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch là vô cùng cần thiết. Tất cả các đối tượng nghi ngờ hoặc tiếp xúc với người bệnh cần được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân cần chủ động tiêm phòng vacxin vì đây là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất.
Đối với từng độ tuổi thì lịch tiêm phòng sẽ có sự khác nhau, cụ thể như sau:
Trẻ em từ 2 tháng tuổi - 13 tuổi
* Tiêm 5in1 hoặc 6in1
-
Mũi 1: từ tháng thứ 2.
-
Mũi 2: tháng thứ 3.
-
Mũi 3: tháng thứ 4.
-
Mũi 4: trước 2 tuổi.
* Tiêm 3in1 hoặc 4in1
-
Mũi 5: từ 4 - 6 tuổi (Tetraxim hoặc Adacel).
Người lớn, trẻ em (14 - 64 tuổi): Tiêm 1 mũi Adacel và nhắc lại mỗi 10 năm 1 lần.